Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Lam Sơn - Huyện Thanh Miện

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Xã Lam Sơn

​​​

Xã Lam Sơn được hình thành từ rất lâu, ngược dòng thời gian và lịch sử mảnh đất Lam Sơn gắn liền với những chiến công và truyền thống đấu tranh cách mạng của huyện Thanh Miện, ngày 16/8/1945 nhân dân Lam Sơn đã nhất tề nổi dậy cùng với nhân dân các xã trong vùng phá kho thóc của Nhật, cướp chính quyền, cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 thắng lợi trong phạm vi cả nước, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân. Khoảng giữa năm 1946, ở Lam Sơn đã có một số cán bộ Việt Minh tiêu biểu được kết nạp vào Đảng, do chưa thành lập được chi bộ nên các Đ/c này phải sinh hoạt tại các Chi bộ ghép cùng với xã Hồng Quang, Lê Bình...Trước yêu cầu của cách mạng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng củng cố chính quyền phải có một Chi bộ Đảng ngay tại địa phương, ngày 15/9/1946 huyện ủy Thanh Miện đã có quyết định thành lập Chi bộ Đảng xã Lam Sơn gồm có 5 đảng viên, Đ/c Nguyễn Đình Quế phái viên của huyện ủy trực tiếp làm Bí thư Chi bộ, từ đó xã Lam Sơn được chia thành 5 thôn là Kim Trang Đông, Kim Trang Tây, Thọ Trương, Thọ Xuyên và thôn Lam Sơn. Nằm cách trung tâm huyện Thanh Miện 2 km xã Lam Sơn có diện tích 687,02 ha thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông hồng, phía Bắc giáp Đoàn Tùng, phía Nam giáp Thị trấn Thanh Miện, phía Tây giáp xã Lê Hồng và xã Hồng Quang, phía Đông giáp xã Nhật Tân (huyện Gia Lộc). Xã có đường tỉnh lộ 392A, 392B và và đường huyện 393 chạy qua, hệ thống đường giao thông nông thôn thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội với các vùng lân cận.

Lam Sơn nằm trong vùng khí hậu trung du Bắc bộ nên khí hậu hàng năm phức tạp. Nh́ìn chung nhiệt độ trong năm tương đối điều hoà, lượng ánh sáng phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Tại trung tâm xã có 01 chợ, tuy không lớn nhưng đa dạng các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống và nhu cầu của người dân.

* Điều kiện kinh tế xă hội - văn hoá tại xã Lam Sơn 

Dân số và lao động

Xuất phát từ một xã nông nghiệp, năm 1993 xã Lam Sơn có 873 hộ với 3781 khẩu, năm 2016 có 2043 hộ với 7565 nhân khẩu. Nguồn tài nguyên chính của Lam Sơn là đất đai với tổng diện tích là 687,02ha. Trong đó đất nông nghiệp là 409,14ha, còn lại là đất phi nông nghiệp và đất khác. Ngoài sản xuất nghành  nông nghiệp xã còn phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại tại địa phương… điều đó tạo nên sự đa dạng ngành nghề ở địa phương, góp phần tích cực vào việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân

Trong những năm trở lại đây, thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ xã về phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó có nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất triều trũng cấy một vụ lúa bấp bênh sang lập vườn, chăn nuôi và trồng cây ăn quả cho thu nhập cao và ổn định.

Điều kiện cơ sở hạ tầng

Trong những năm gần đây, điều kiện cơ sở hạ tầng của xã Lam Sơn đã và đang được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt, văn hoá tinh thần của đông đảo nhân dân trên địa bàn. Hệ thống điện - đường - trường - trạm được xây dựng kiên cố. Hệ thống đường giao thông trong thôn, xóm cơ bản đã được bê tông hóa.

Công trình phúc lợi

Trường Mầm Non và trường Tiểu học đã đạt chuẩn Quốc gia, trường THCS hàng năm đều đạt danh hiệu trường tiên tiến.

Trạm y tế của xã được xây dựng kiên cố trên diện tích 1200 m2 đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh của nhân dân. Các hoạt động của Trạm y tế có nhiều tiến bộ, công tác tuyên truyền bảo vệ sức khoẻ đảm bảo tốt không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, hàng năm khám và điều trị cho hàng ngàn lượt người, duy trì hoạt động của tủ thuốc tại trạm hiệu quả.

Đài truyền thanh của xã là kênh thông tin đắc lực nhằm phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, các vấn đề kinh tế - văn hoá - xã hội tới người dân.  

Về văn hoá, thể dục thể thao:

UBND xã luôn quan tâm đến các phong trào của địa phương, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”  được triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, thường xuyên phối hợp với các đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao vào các dịp lễ tết, tạo môi trường văn hoá lành mạnh để mỗi cá nhân phát huy năng khiếu, khả năng vốn có của mình, đồng thời giáo dục đạo đức, lối sống, giúp hình thành và phát triển nhân cách tốt ở mỗi người, đặc biệt là  thanh, thiếu niên, nhi đồng.

 Hàng năm xã thường tổ chức các giải cầu lông cho mọi lứa tuổi, giải cờ tướng, giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng, giải bóng chuyền “ Bông lúa vàng”, giải bóng đá của hội Nông dân, Bóng chuyền hơi, tập thể dục dưỡng sinh của hội NCT. Phong trào VHVN-TDTT ở xã Lam Sơn được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể nhân dân trên địa bàn.

Về công tác chính sách xã hội:

Xã luôn thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với đối tượng chính sách, người có công. Toàn xã có 177 liệt sĩ, 88 thương, bệnh binh và 59 người nhiễm chất độc hoá học. Các hoạt động quyên góp ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn xã, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, ngoài ra còn tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo ổn định cuộc sống về vật chất và tinh thần

Về công tác quốc phòng an ninh:

Xã Lam Sơn là địa phương luôn làm tốt công tác tuyên truyền vận động thanh niên lên đường nhập ngũ hàng năm đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định.

UBND xã Lam Sơn là cấp chính quyền địa phương gần dân nhất, bao gồm hệ thống các ban ngành như:

+ Văn phòng - Thống kê;

+ Công an

+ Tài chính - kế toán

+ Tài nguyên - Môi trường

+ Văn hoá - Xã hội;

+ Quân sự

+ Tư pháp - Hộ tịch

Về khối đoàn thể có:

+ Ủy ban Mặt trận tổ quốc;

+ Hội Cựu chiến binh;

+ Đoàn thanh niên;

+ Hội phụ nữ;

+ Hội nông dân;

+ Và các tổ chức xã hội khác.

Các ban ngành đoàn thể là cánh tay đắc lực trong mọi lĩnh vực giúp Đảng ủy - Chính quyền địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của xã nhà ngày một vững chắc đi lên.